Đào tạo và sát hạch lái xe: Không chỉ là tăng câu hỏi hay lắp camera

  • 18/07/2019 02:50:59
  • Nhóm phóng viên
  • Xã hội
  • 0

Để công tác đào tạo và sát hạch lái xe được thực chất, cần quan tâm nhiều hơn đến đào tạo kỹ năng, kinh nghiệm thực tế và bồi dưỡng đạo đức cho các học viên.

 

Hiện nay, cả nước có 282 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, 463 cơ sở đào tạo lái xe mô tô và 84 trung tâm sát hạch lái xe phục vụ cho nhu cầu học và sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho người dân có nhu cầu. Theo thống kê từ các cơ quan quản lý, hằng năm nước ta có thêm hàng triệu tài xế mới được cấp bằng.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, công tác đào tạo và sát hạch lái xe được cho là quá dễ dãi và có nhiều lỗ hổng, từ đó hình thành một bộ phận người lái thiếu kiến thức, đạo đức lẫn kỹ năng thực tế. Đây là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận.

Việc bổ sung các kỹ năng ứng phó với những tình huống giao thông thực tế và giải pháp xử lý sự cố là điều cần thiết trong đào tạo và sát hạch lái xe.

Vừa qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho biết, đơn vị này sẽ tăng số lượng câu hỏi sát hạch lý thuyết lái xe ôtô kể từ quý III/2019. Trong đó, lần đầu tiên bộ đề sẽ có 100 câu thuộc dạng điểm liệt. Chỉ cần học viên chọn sai 1 câu trong số các câu bị điểm liệt sẽ bị đánh trượt ngay lập tức.

Các câu hỏi thuộc dạng điểm liệt là các câu hỏi mang tính chất cơ bản, cốt lõi, liên quan đến các tình huống tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nghiêm trọng: vượt đường sắt, chuyển làn không xi nhan, phóng nhanh vượt ẩu… mà người lái xe phải hiểu, nhớ và luôn thực hiện đúng trong suốt quá trình hành nghề lái xe để tham gia giao thông an toàn.

Ông Lương Duyên Thống - Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái, Tổng cục ĐBVN cho biết thêm: "Thứ nhất, sẽ tăng số lượng câu hỏi từ 450 câu trước đây lên 600 câu. Thứ hai, số lượng câu hỏi trong đề thi cũng tăng lên. Ví dụ, trước đây có hạng xe chỉ thi 30 câu thì nay tăng lên 45 câu. Thứ ba là thời gian để học viên làm bài thi cũng bị giảm xuống. Vì vậy, đòi hỏi người học phải tìm hiểu kỹ kiến thức an toàn giao thông cũng như kỹ năng lái xe. Đối với các học viên tham gia học đầy đủ và nắm chắc kiến thức thì không có gì khó, tuy nhiên với người không học đầy đủ thì sẽ khó hơn vì câu hỏi nhiều hơn, thời gian làm bài ngắn hơn nên sẽ không có thời gian trao đổi với người xung quanh".

Bên cạnh sự thay đổi trong bộ câu hỏi đề thi lý thuyết thì Tổng cục ĐBVN cũng cho biết sẽ tiến hành giám sát quá trình đào tạo các học viên theo thời gian thực. Ngoài ra sẽ lắp đặt hệ thống camera tại phòng thi lý thuyết lẫn sa hình, hệ thống camera này sẽ được kết nối và giám sát bởi nhiều đơn vị như Bộ GTVT, Bộ Công an, Tổng Cục ĐBVN và các Sở GTVT địa phương.

Việc tăng số lượng câu hỏi lý thuyết từ 450 câu lên 600 câu với nhiều câu hỏi dạng điểm liệt hay bố trí lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các phòng sát hạch lý thuyết, sa hình là cần thiết. Tuy vậy, với không ít người thì việc Tổng cục ĐBVN quyết định tăng số câu hỏi lý thuyết, nâng độ khó của bộ đề thi hay lắp đặt camera tại các điểm sát hạch không thể giúp kéo giảm được tai nạn giao thông đang có xu hướng phức tạp.

Nhưng cũng cần khẳng định rằng các giải pháp này bước đầu sẽ tạo ra một tiền đề quan trọng hướng đến mục tiêu sâu xa hơn là nâng cao được ý thức và kỹ năng của người lái. Các giải pháp này dù không phải là những điều kiện tiên quyết để đổi mới công tác đào tạo và sát hạch lái xe ô tô, song chúng cần phải được triển khai ngay trên phạm vi cả nước nhằm tạo ra những hiệu ứng tâm lý ban đầu từ phía người học. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước, các sở GTVT địa phương cũng như các trung tâm đào tạo, sát hạch cần tập trung cao độ vào việc bồi dường đầy đủ đạo đức, kỹ năng và kiến thức cho người học. Ngoài ra, công tác đào tạo cũng cần chú ý đến việc bổ sung các kỹ năng ứng phó với các tình huống giao thông thực tế, cũng như các giải pháp xử lý cụ thể khi đối mặt với sự cố trên đường.

Đối với tình trạng tiêu cực trong đào tạo và sát hạch lái xe, cần có những giải pháp xử lý mạnh tay thậm chí là đình chỉ tuyển sinh, thu hồi giấy phép đối với các cơ sở đào tạo lái xe ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn hoặc liên tục vi phạm. Bên cạnh đó, Bộ GTVT và Bộ Công an cùng các đơn vị liên quan cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc xử lý các vi phạm của tài xế hay các học viên lái xe. Ngoài ra, cũng cần quản lý chặt chẽ chất lượng và đạo đức của người dạy./.

P.V

Ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Vụ trưởng Vụ quản lý phương tiện và người lái, Tổng cục Đường bộ Việt Nam:

 Việc lắp đặt hệ thống camera tại phòng thi lý thuyết lẫn sa hình được xem là một điểm mới trong công tác sát hạch lái xe, nhằm xác định đúng nhân dạng của người học, tránh trường hợp nhờ người khác thi giùm như trước đây. Các học viên đã đi học trong 3 - 6 tháng sẽ được camera nhận dạng lưu lại, khi vào phòng sát hạch nếu không phải ảnh của người đó thì sẽ từ chối cho thi.

 

Ông Ngô Đình Quang - trưởng phòng quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe Sở GTVT:

Vấn đề lắp đặt camera thì Sở GTVT TP.HCM từ lâu đã triển khai tuyên truyền và yêu cầu tất cả các trung tâm lắp đặt camera trong phòng thi lý thuyết cũng như trong hình. Hiện nay tất cả các trung tâm sát hạch lái xe ô tô tại TP.HCM hiện nay đã hoàn tất việc lắp đặt camera tại các phòng thi lý thuyết lẫn sa hình thực hành.

 

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội luật gia TP.HCM:

 Tổng Cục Đường bộ đề xuất tăng thêm câu hỏi lý thuyết hay lắp camera giám sát là chưa đủ để thay đổi hoàn toàn công tác đào tạo và sát hạch lái xe ô tô hiện nay. Tăng thêm câu hỏi hay lắp camera thì mới chỉ là hình thức. Cần đầu tư sâu hơn nữa để siết chặt đầu ra của người học bằng lái. Người học phải được trang bị kiến thức, thái độ và bài học thực tế cần thiết.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận